Tháng 10 năm 2009 Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng được giao nhiệm vụ
biên soạn Quy chuẩn này theo yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các
loại thép cốt bê tông thông dụng được các doanh nghiệp tại Việt Nam
sản xuất với số lượng khá lớn. Sản phẩm này cũng được nhập khẩu từ nước
ngoài với số lượng khoảng 700- 800 nghìn tấn/ năm. Khối lượng sử dụng
thép làm cốt bê tông hàng năm trong những năm gần đây khoảng 3,6 – 3,8
triệu tấn. Trong thời gian tới nhu cầu thép cốt bê tông còn có khả năng
tăng hơn nữa.
Năm 1997 tiêu chuẩn TCVN 1651 : 1985 Thép cốt bê tông
được soát xét các quy định đối với thép thanh vằn phù hợp với ISO 6935-2
: 1991 với số hiệu TCVN 6285 : 1997 và các quy định đối với lưới thép
hàn phù hợp với ISO 6935-3 : 1992 với số hiệu TCVN 6286 :
1997. Tuy nhiên các tiêu chuẩn nói trên về thép cốt bê tông chưa đáp
ứng được yêu cầu của các bên có liên quan như sản xuất, sử dụng, kinh
doanh và nhập khẩu. Hiện nay ba TCVN nói trên (TCVN 1651 : 1985; TCVN
6285 : 1997; TCVN 6286 : 1997) đã được soát xét và công bố với số hiệu
là TCVN 1651 - 1,2,3: 2008 để thuận lợi cho người sử dụng.
TCVN 1651 – 1; 2; 3 : 2008 Thép cốt bê tông được biên soạn trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn chính sau:
1) ISO 6935 -1: 2007 Steel for the reinforcement of concrete- Part 1: Plain bars;
2) ISO 6935 -2: 2007 Steel for the reinforcement of concrete- Part 2: Ribbed bars;
3) ISO 6935-3: 1992(Technical corigendium 1-2000) Steel for the reinforcement of concrete - Part 3 Welded fabric);
4) JIS 3112 : 2004 Steel bars for concrete reiforcement;
5) GB 1499 : 1998 Steel bars for concrete reinforcement.
Cụ thể : TCVN 1651 : 2008 Thép cốt bê tông bao gồm 3 phần:
- Phần 1- Thép thanh tròn trơn được biên soạn trên cơ sở ISO 6395- 1 : 2007 ; JIS 3112:2004 và GB 1499: 1998;
- Phần 2 - Thép thanh vằn được biên soạn trên cơ sở ISO 6395 -2 : 2007 ; JIS 3112 : 2004 và GB 1499: 1998;
-
Phần 3 - Lưới thép hàn được biên soạn hoàn toàn tương đương
với ISO 6935 -3:1992 ( Technical corigendium 1-2000).
Trong
thời gian qua Tổng cục TCĐLCL và Viện TCCLVN đã nhận được các Bản cung
cấp thông tin về thực tế áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thử nghiệm
của các Công ty sản xuất thép và các cơ quan quản lý và thử nghiệm. Ban
soạn thảo cũng đã cử chuyên gia xuống làm việc với 2 công ty tại Thái
Nguyên ( Thái nguyên; Gia Sàng) và 2 công ty tại Hưng yên ( Việt - Ý;
Hoà Phát) ; 2 công ty tại Hải Phòng ( Việt - Úc; Việt - Hàn).
II. Nội dung của Quy chuẩn và các vấn đề cần trao đổi
( Các chữ in nghiêng là nội dung quy định trong Dự thảo Quy chuẩn )
1. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quy
chuẩn này quy định mức giới hạn của các yêu cầu kỹ thuật đối với các
loại thép cốt bê tông, thép cốt bê tông dự ứng lực và thép cốt bê tông
phủ epoxy ( sau đây gọi tắt là thép cốt bê tông) và các yêu cầu quản lý
chất lượng đối với thép cốt bê tông sản xuất trong nước, nhập khẩu và
lưu thông trên thị trường.
Như vậy QCVN này áp dụng cho 3 loại
thép cốt bê tông; trong đó trong nước mới sản xuất loại thép cốt bê tông
thông thường, còn thép cốt bê tông dự ứng lực và thép cốt bê tông phủ
epoxy được nhập khẩu.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp
dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, sử
dụng thép cốt bê tông, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá
nhân khác có liên quan.
Có ý kiến cho rằng không cần quy định cho bên sử dụng.
1.3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.3.1. Lô sản phẩm : Thép cốt bê tông cùng mác, cùng đường kính danh nghĩa và được sản xuất cùng một đợt trên cùng một dây chuyền công nghệ.
1.3.2. Lô hàng hoá : Thép
cốt bê tông cùng mác, cùng đường kính danh nghĩa có cùng nội dung ghi
nhãn, do một tổ chức, cá nhân nhập khẩu, phân phối, bán lẻ tại cùng một
địa điểm.
1.3.3. Mác thép cốt bê tông : Mác thép côt bê tông được quy định trong TCVN 1651: 2008 như sau
- Mác thép thanh tròn trơn : CB240-T; CB300-T;
- Mác thép thanh vằn : CB300-V; CB400-V; CB500-V.
CHÚ
THÍCH : Chữ "CB" đầu tiên là viết tắt của từ cốt bê tông. Ba chữ số
tiếp theo thể hiện giá trị quy định của giới hạn chảy trên. Ký hiệu
cuối cùng "T" là viết tắt của thép thanh tròn trơn và "V" là viết tắt
của thép thanh vằn.
Đề nghị các đơn vị và chuyên gia cho ý
kiến về các quy định cho hai loại lô, vì đây là cơ sở để đánh giá, kiểm
tra. Các ký hiệu mác thép cốt bê tông nêu trên cũng chưa được áp dụng
phổ biến. Nhiều người vẫn còn sử dụng ký hiệu CI; CII thậm chí A1 theo
thói quen. Do đó rất cần các cơ quan quản lý; thiết kế phổ biến và áp
dụng các ký hiệu mác thép bê tông quy định trong TCVN 1651: 2008.
Có
ý kiến cho rằng cần phải định nghĩa rõ ràng đường kính danh nghĩa vì
vẫn có sự nhầm lẫn giữa ký hiệu trên thanh thép với đường kính danh
nghĩa, nên Ban soạn thảo đưa ra hai ý kiến sau, đề nghị các đơn vị và
chuyên gia cho ý kiến:
1.3.4 Diện tích mặt cắt ngang danh nghĩa của thép thanh vằn : Diện tích mặt cắt ngang tương đương với diện tích mặt cắt ngang của một thanh tròn trơn có cùng đường kính danh nghĩa.
1.3.4 Đường kính danh nghĩa của thép thanh vằn: Đường kính của thép tròn trơn có cùng chiều dài và khối lượng.
2. YÊU CẦU KỸ THUẬT
2.1. Thép cốt bê tông
Dự thảo theo quy định trong TCVN 1651- 1;2;3: 2008.
Riêng
đối với thép thanh tròn trơn không áp dụng tỷ số Rm/ReH ≥ 1,46
trong Bảng 5 của TCVN 1651-1: 2008 vì không phù hợp với thực tế sản
xuất và các kết quả thử, đồng thời có ý kiến đề nghị sửa điều 7.2 như
sau (đoạn gạch chân):
7.2 Tính uốn ; Sau khi thử theo 8.2 các thanh thép không được gãy, rạn nứt ở mặt phía ngoài của phần tiếp xúc với gối uốn có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Theo
ý kiến của các DN nội dung của TCVN1651:2008 là phù hợp với tiêu chuẩn
các nước cũng như thực tế sản xuất. Tuy nhiên có khó khăn là các khách
hàng (xây dựng) vẫn quen áp dụng theo TCVN 1651: 1985 tuy đã bị huỷ bỏ
và các cơ tính không tương đương với tiêu chuẩn các nước(JIS 3112: 2004
và GB1499:2007) hoặc đặt hàng theo tiêu chuẩn JIS 3112: 2004 và ASTM
615a và theo TCCS. Thưc tế các mác thép trong TCVN 1651: 2008 và JIS
3112: 2004 chênh lệch nhau về giới hạn chảy như 240 và 235 hoặc 390 và
400 là do khi chuyển đổi sử dụng hệ số g = 10 và g = 9,8 và sai khác là
không đáng kể. Đồng thời tiêu chuẩn các nước tuy cơ bản là tương đương
nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Về mặt quản lý nhà nước thông qua
QCVN cần phải có quy định thống nhất về yêu cầu chất lượng và các bên
có liên quan phải tuân thủ.Tiêu chuẩn Trung quốc GB1499:2007 quy định ba
mác thép thì hai mác giống TCVN 1651: 2008
Đề nghị các đơn vị và chuyên gia cho ý kiến về vấn đề này.
Cần
lưu ý là trong dự thảo QCVN này quy định đường kính danh nghĩa d; còn
trong tiêu chuẩn JIS 3112: 2004 quy định D là ký hiệu của thanh. Ví dụ
D6 là thanh có đườmg kính danh nghĩa 6,35mm và D10 là ký hiệu của thanh
có đường kính danh nghĩa 9,53 mm. Khi nhập khẩu trên nhãn phụ phải ghi
đường kính danh nghĩa là 6,35mm hoặc 9,53 mm.
2.2. Thép cốt bê tông dự ứng lực
Dự thảo theo các quy định của
TCVN 6284:1997(ISO 6934:1991), Thép cốt bê tông dự ứng lực :
Phần 1 - Yêu cầu chung;
Phần 2 - Dây kéo nguội;
Phần 3 - Dây tôi và ram;
Phần 4 - Dảnh;
Phần 5 - Thép thanh cán nóng có hoặc không có xử lý tiếp.
Về các quy định trong TCVN 6284: 1997 có hai quy định cần các đơn vị và chuyên
gia cho ý kiến là :
-
TCVN 6284-1 : 1997 điều 6.3.3.1 quy định Độ hồi phục ứng suất được xác
định ở nhiệt độ danh nghĩa 20 C trong thời gian 1000h là không
khả thi và gây khó khăn cho DN nhập khẩu . Nếu không quy định độ hồi
phục có được không ?
- Trong Bảng 1 của TCVN 6284-2 : 1997 chỉ quy
định hai giới hạn bền kéo cho một đường kính danh ghĩa( theo ISO 6934 :
1991) . Quy định này có hợp lý trong thực tế sử dụng hiện nay không ?
2.3. Thép cốt bê tông phủ epoxy
Dự thảo quy định theo các quy định của:
-TCVN 7934: 2009 (ISO14654 :1999), Thép phủ epoxy dùng cho cốt bê tông;
-TCVN 7935: 2009 (ISO14655:1999), Dảnh phủ epoxy dùng cho bê tông dự ứng lực.
Hai
loại thép cốt này thực tế nước ta chưa sản xuất, các quy định của Dự
thảo Quy chuẩn chủ yếu áp dụng đối với thép nhập khẩu nên các ý kiến cho
rằng dự thảo theo quy định của tiêu chuẩn ISO là phù hợp. Đề nghị các
đơn vị và các chuyên gia góp ý cho các quy định về cơ tính ( xem các bản
phôtô tiêu chuẩn kèm theo)
3. PHƯƠNG PHÁP THỬ
3.1 Phương pháp
thử đối với thép cốt bê tông và bê tông dự ứng lực theo TCVN
7937:2009 (ISO15630 : 2002) Thép làm cốt bê tông và bê tông dự ứng lực-
Phương pháp thử .
Các DN đều tiến hành xác định cơ tính và cho rằng quy định trên là phù hợp.
3.2 Xác định hàm lượng các nguyên tố trong thép cốt bê tông bằng phương pháp quang phổ.
Hiện
các nơi đang áp dụng phương pháp quang phổ theo ASTM E 415 – 99a. Dự
thảo đưa ra quy định theo các tiêu chuẩn ISO hoặc ASTM E 415 phiên bản
năm 2008 ( thay thế ASTM E 415 – 99a).
Các tiêu chuẩn ISO áp dụng
chung cho các loại thép và gang ; còn ASTM 415 chỉ áp dụng cho thép các
bon và thép hợp kim thấp. Do đó việc quy định theo tiêu chuẩn ISO và
sau đó được chuyển thành TCVN trong năm 2010 là hợp lý hơn vì có phạm vi
áp dụng rộng hơn. Hiện nay các cơ sở đang áp dụng ASTM E 415 nhưng cần
lưu ý là tiêu chuẩn ASTM E 415 yêu cầu về hoá chất, vật liệu, và vật
liệu chuẩn (mẫu chuẩn) cũng phải theo các tiêu chuẩn ASTM tương ứng.
Điều này cũng là khó khăn khi áp dụng ASTM E 415.
Đề nghị các đơn vị
cho ý kiến về vấn đề này kể cả việc áp dụng ASTM E 415 phiên bản năm
2008 ( hiện đang sử dụng ASTM E 415 – 99a).
Trong dự thảo mới quy
định cụ thể phương pháp xác định hàm lượng cho 5 nguyên tố chính trong
thành phần của thép cốt bê tông là C ; Si; Mn; P; S, đề nghị các đơn vị
cho ý kiến như vậy đã hợp lý chưa ?
Trong Phụ lục A của dự thảo quy định
3.2.2.4 Xác định hàm lượng lưu huỳnh theo
-
ISO 4935 : 1989 Steel and iron -- Determination of sulfur content --
Infrared absorption method after combustion in an induction furnace(Thép
và gang - Xác định hàm lượng lưu huỳnh– Phương pháp hấp thụ hồng ngoại
sau khi đốt trong lò cảm ứng )
- ISO 10701 : 1994 Steel and iron --
Determination of sulfur content -- Methylene blue spectrophotometric
method (Thép và gang - Xác định hàm lượng lưu huỳnh– Phương pháp quang
phổ xanh )
- ISO 13902 : 1997 Steel and iron -- Determination of
high sulfur content -- Infrared absorption method after combustion in an
induction furnace ( Thép và gang - Xác định hàm lượng lưu huỳnh cao –
Phương pháp hấp thụ hồng ngoại sau khi đốt trong lò cảm ứng)
3.2.2.5 Xác định hàm lượng mangan theo
-
ISO 629 : 1996 Steel and cast iron - Determination of manganese content
-- Spectrophotometric method ( Thép và gang - Xác định hàm lượng
mangan- Phương pháp quang phổ )
- ISO 10700 : 1994 Steel and iron --
Determination of manganese content - Flame atomic absorption
spectrometric method (Thép và gang - Xác định hàm lượng mangan - Phương
pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử ngọn lửa)
Đề nghị các đơn vị
cho ý kiến nên quy định theo phương pháp nào khi xác dịnh hàm lương lưu
huỳnh và mangan theo các tiêu chuẩn nêu trên.
4. GHI NHÃN
4.1. Việc ghi nhãn trên bó/cuộn thép quy định trong
các tiêu chuẩn TCVN theo ý kiến các DN khó nhất là quy định phải có
Số mẻ nấu hoặc số lô sản xuất.
Dự thảo quy định : số lô sản phẩm.
4.2.1
Theo quy định khi ghi nhãn trên các bói hoặc cuộn các loại thép cốt bê
tông sản xuất trong nước phải ghi số hiệu của TCVN tương ứng ( như đã
được quy định trong DT 1). Nhưng các Doanh nghiệp và cơ quan quản lý có ý
kiến là đối với các Dự án xây dựng trong nước có vốn nước ngoài các
đối tác nước ngoài ( đặc biệt Nhật Bản) trong thiết kế thường sử dụng
tiêu chuẩn của nước mình (ví dụ JIS 3112) Do đó để phù hợp với thực tế
đề nghị chỉ quy định trong QCVN này tiêu chuẩn áp dụng và các yêu cầu
phải tuân theo các quy định của QCVN này.
Do đó Dự thảo quy đinh : Số hiệu của tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Tuy
nhiên nếu quy định như vậy thì cũng khó quản lý vì như trên đã nêu các
mác thép và yêu cầu ký thuật của tiêu chuẩn các nước không hoàn toàn
giông nhau.
Đề nghị các đơn vị và chuyên gia cho ý kiến về quy định này.
4.2.2 Về cơ bản các yêu cầu về ghi nhãn thép nhập khẩu cũng giống như thép sản suất trong nước.
4.3 Ghi nhãn trên thanh thép
Trên mỗi thanh thép phải được ghi nhãn trong quá trình cán với nội dung tối thiểu sau :
- Lô go hoặc tên hoặc chữ viết tắt của nhà sản xuất ;
- Đường kính danh nghĩa ;
- Mác thép.
Đối
với quy định phải ghi Mác thép, các Doanh nghiệp cho rằng là tốt cho
người sử dụng và quản lý nhưng khó thực hiện.Tuy nhiên Hiệp hội thép
Việt Nam và Tổng công ty thép Việt Nam có hướng sẽ ghi cả trên tất cả
các cỡ thép nhỏ.
Đề nghị các đơn vị và chuyên gia cho ý kiến về quy định này
5. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
Dự thảo quy định các yêu cầu quản lý chất lượng đối với :
5.1. Thép cốt bê tông sản xuất trong nước
5.2. Thép cốt bê tông nhập khẩu
5.3. Thép cốt bê tông lưu thông trên thị trường
5.4. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp
Đề
nghị các đơn vị cho ý kiến về việc công bố hợp quy và đánh giá hợp quy
quy dịnh trong dự thảo có hợp lý không vì điều này rất quan trọng đối
với các DN và cơ quan quản lý nhà nước khi áp dụng quy chuẩn này.
Dự thảo cũng quy định :
Thép cốt bê tông nhập khẩu phải thực hiện việc kiểm tra nhà nước về
chất lượng theo quy định trong Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày
18/6/2009 Hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu
thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo quy
định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì cơ quan ban hành quy
chuẩn là Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đinh Tổ chức chứng nhận và
Phòng thử nghiệm để đánh giá hợp quy (đánh giá thép cốt bê tông phù hợp
với quy chuẩn này) và đây cũng là điểm mới so với thời điểm trước khi
ban hành Quy chuẩn này.
6. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
6.1. Tổ
chức, cá nhân sản xuất trong nước phải thực hiện việc chứng nhận
hợp quy và công bố hợp quy phù hợp với các yêu cầu quy định tại mục 2
và mục 3 của Quy chuẩn này và đảm bảo chất lượng thép cốt bê tông theo
đúng nội dung công bố, thực hiện trách nhiệm theo Điều 20 của Quy định
về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công
bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
6.2. Tổ chức, cá nhân nhập
khẩu phải thực hiện việc giám định, chứng nhận hợp quy phù hợp với các
yêu cầu quy định tại mục 2 và mục 3 của Quy chuẩn này ; đăng ký kiểm
tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu và đảm bảo chất
lượng thép cốt bê tông phù hợp với các yêu cầu quy định trong mục 2 và
mục 3 của Quy chuẩn này.
6.3. Tổ chức, cá nhân phân phối,
bán lẻ chỉ được kinh doanh thép cốt bê tông đảm bảo chất lượng, có dấu
hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành.
Như vậy các
DN sản xuất, nhập khẩu thép cốt bê tông phải công bố thép cốt bê tông
phù hợp (tuân thủ) các quy định của Quy chuẩn này. Đây là quy định mà
hiện nay các DN chưa phải thực hiện, điều này liên quan đến thời điểm áp
dụng quy chuẩn này, đề nghị các đơn vị cho ý kiến về các quy định này.
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Đề nghị các đơn vị cho ý kiến quy định sau
7.2 Khi
các tài liệu và tiêu chuẩn được sử dụng trong quy chuẩn này đuợc sửa
đổi, thay thế thì phải sử dụng phiên bản mới nhất. Các tiêu chuẩn ISO sử
dụng trong quy chuẩn này khi được công bố thành TCVN thì sử dụng TCVN
tương ứng.
III. Các kiến nghị
Việc xây
dựng và ban hành quy chuẩn này nhằm nâng cao chất lượng và tính ổn định
chất lượng của thép cốt bê tông trong nước ta cũng như hiệu quả của
công tác quản lý chất lượng thép cốt bê tông của các cơ quan quản lý nhà
nước đối với thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu và lưu thông trên
thị trường cũng như trong sử dụng. Việc áp dụng quy chuẩn này cũng có
một số điểm mới so với hiện nay.
Ban soạn thảo đề nghị các đơn vị,
các chuyên gia góp ý cho các quy định trong Dự thảo quy chuẩn này, đặc
biệt là các nội dung được nêu trong Điều 2 của bản thuyết minh này để
Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo đáp ứng yêu cầu của các bên có liên
quan và Quy chuẩn ban hành có tính khoa học và khả thi.
Thông tin góp ý xin gửi về địa chỉ:
VIỆN TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM
SỐ 8 HOÀNG QUỐC VIỆT, CẦU GIẤY, HÀ NỘI
ĐT: 04.37564407
EMAIL: INFO@VSQI.GOV.VN